"Kết cục của ESG" - Phần 1 - Có cần một bộ chỉ tiêu chung thống nhất?
Alex Edmans chọn một tựa đề đầy tính clickbait này cho bài báo xuất bản hôm 21/12/2022 trên tạp chí Financial Management để nói rằng...
Bài này tóm tắt những quan điểm của Alex Edmans - Giáo sư tài chính trường Đại học London - một học giả tập trung vào đầu tư bền vững, quản trị doanh nghiệp và tài chính hành vi. Bạn có thể đọc toàn bài tại đây: The end of ESG.
ESG đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một thị trường ngách, để trở thành một thực hành đại chúng.
“ESG vừa cực kỳ quan trọng vừa chẳng có gì đặc biệt” - Alex mở đầu bài báo - “Nó rất quan trọng đối với việc tạo ra giá trị lâu dài của công ty” nhưng các công ty còn có nhiều tài sản vô hình khác như chất lượng quản lý, văn hóa doanh nghiệp và năng lực đổi mới. Và “nó chẳng có gì đặc biệt” - các công ty “không nên được ca ngợi khi tích hợp ESG giỏi hơn việc xây dựng các tài sản vô hình khác, và các nhà đầu tư cũng không nên ưu tiên ESG hơn các giá trị khác”. Rõ ràng, chúng ta “cần các công ty tuyệt vời, không phải các công ty có ESG tuyệt vời”.
Đến đây làm mình nhớ đến một đoạn nói chuyện của “Hiệu trưởng định giá” Damodaran với Prague Finance Institute, cho rằng “ESG là thứ bị bán lố và chém gió bậc nhất trong lịch sử kinh doanh” và “Tôi dự là chục năm nữa các công ty vẫn cứ tốt và xấu y bây giờ, nhưng có thêm 100 trang báo cáo hay ho nhằm thuyết phục nhà đầu tư là họ đã quá là tốt như thế nào”. Nhất là khi “chúng ta rất giỏi trong việc dạy các công ty nói như thế nào, diễn như thế nào, mà không dạy làm như thế nào.”
Thật thú vị là một giảng viên ESG cấp cao giảng dạy tại một trường đại học hàng đầu đã nhắn tin cho Alex và nói rằng “này ông muốn đấu một trận không - tôi với Damodaran đang chuẩn bị đấu nhau một trận vì quan điểm hạ thấp ESG của hắn. Hãy tham gia đồng tác giả cho một bài tranh luận với tôi”.
Tuy vậy, Alex cho rằng những người nhận ra rằng ESG có khuyết điểm cũng như ưu điểm không nhất thiết phải lao vào cãi nhau; thay vào đó, họ có thể nhìn thấy cả hai mặt của một vấn đề. Bởi vì hầu hết mọi người không phải là “tín đồ” hay “người phủ nhận”, mà là các học giả hoặc học viên đã phát triển quan điểm của riêng mình thông qua sự kết hợp giữa bằng chứng và kinh nghiệm.
Thôi dừng nói dông dài, dưới đây là phần 1 của bản tóm tắt cho bài viết này.
Ai quan tâm đến các giá trị từ ESG?
Alex Edmans phát hiện trong nghiên cứu năm 2009 của mình rằng, không chỉ đánh giá công ty qua thu nhập hàng quý, những cổ đông lớn (block-holders) tìm kiếm các tài sản vô hình, như văn hoá công ty, sự trung thành của khách hàng, và khả năng cải tiến.
Vì sao? Vì để đánh bại thị trường, các nhà đầu tư chỉ có thể nhờ vào việc tìm kiếm những thông tin chưa được phản ảnh vào giá cổ phiếu1. Để làm được việc đó, các tài sản vô hình là một kho báu thông tin. Có rất nhiều nhà đầu tư ở nhóm này, Warren Buffett, Bill Miller, Peter Lynch, họ chẳng nhận mình nhà đầu tư ESG hay gì cả, họ là những nhà đầu tư dài hạn.
Nghiên cứu năm 2011 của Alex Edmans cũng cho thấy bằng chứng của việc thị trường không định giá đầy đủ các tài sản vô hình. Nghiên cứu phân tích mối quan hệ giữa sự hài lòng của nhân viên và lợi nhuận cổ phiếu trong dài hạn, cho thấy sự hài lòng của nhân viên (một yếu tố nhóm S) có thể dẫn đến lợi nhuận vượt trội - khi sự hài lòng của nhân viên vừa có lợi cho giá trị công ty vừa không bị thị trường vốn hóa ngay lập tức. Và từ đây, đầu tư có trách nhiệm xã hội (SRI) có thể cải thiện tỷ suất lợi nhuận cho các khoản đầu tư.
Kết luận: Nhà đầu tư không nên quá quan tâm đến ESG, họ cần quan tâm đến việc đọc được giá trị của các tài sản vô hình. Từ góc nhìn này, ESG không cần phải được hô hào như một trình điều khiển giá trị (value driver) tốt hơn hay nhỉnh hơn các driver khác. Và chúng ta cũng không cần phải chia phe trong việc phản đối hay ủng hộ ESG. Và vì thế, ESG cũng chẳng có gì đặc biệt mấy.
Các chỉ số ESG
Các nhà đầu tư, cơ quan quản lý và các bên liên quan khác ngày càng yêu cầu các công ty báo cáo hiệu suất của họ theo các chỉ số ESG khác nhau.
Nhiều người cho rằng việc đánh giá ESG hiện quá mơ hồ, không có chuẩn, và họ vận động cho một bộ tiêu chuẩn chung mà tất cả các công ty phải làm theo, và để đảm bảo tất cả các chỉ số đều được đo lường thống nhất - để dễ dàng so sánh.
Ý tưởng này là miễn bàn, dưới lăng kính ESG, việc báo cáo là cần thiết để chứng minh nỗ lực thực sự của các công ty - và việc báo cáo cần phải dễ dàng so sánh chéo giữa các công ty, hoặc so sánh theo thời gian. Đổi lại, các chuyên gia đầu tư có thể chứng minh cho khách hàng của mình là ‘ôi tôi xanh đấy, danh mục của tôi tích được đủ ô ESG hơn đối thủ của tôi nhiều”. Và nghĩa là điểm ESG càng cao, giá trị dài hạn của công ty càng lớn.
Tuy vậy, nếu đồng ý rằng ESG tạo ra giá trị dài hạn cho công ty, thì các tài sản vô hình khác cũng thế. Có rất nhiều tài sản vô hình không nằm trong nhóm các yếu tố ESG - ví dụ như bằng sáng chế hay sự yêu thích của khách hàng. Thay vì chỉ dán mắt vào ESG, các công ty nên tự hỏi một câu hỏi lớn hơn “Các KPIs hoặc các chỉ số quan trọng giúp đánh giá công ty (có đang đi đúng hướng hay không) là gì?” - Các KPI đó hẳn sẽ bao gồm các chỉ số ESG, nhưng cũng bao gồm nhiều chỉ số “phi ESG” khác. Quan điểm này chuyển ESG từ một checklist—thành một công cụ tạo giá trị.
Một khía cạnh mở rộng cho rằng các chỉ số ESG còn cho thấy mức độ của sự “không gây hại” của các công ty - thể hiện ở mức độ sử dụng nước hay số thương tích của công nhân - điều này rất quan trọng. Nhưng, giá trị dài hạn thì nằm nhiều hơn ở việc ‘công ty thực sự làm tốt’ - các chỉ số theo dõi việc tạo ra giá trị sẽ cụ thể hoá chiến lược của công ty. Unilever đo lường số lượng công dân mà họ tiếp cận thông qua các chiến dịch vệ sinh của mình, Olam đo lường số lượng nông dân sản xuất nhỏ tham gia vào các chương trình canh tác bền vững của mình và MYBank báo cáo số lượng các công ty khởi nghiệp mà họ cho vay - những công ty chưa bao giờ vay được ngân hàng trước đó.
Kết luận, việc có một chuẩn chung cho các chỉ số ESG không ngăn các công ty báo cáo nhiều hơn chuẩn, và cũng không ngăn họ chia sẻ những yếu tố quan trọng (các tài sản vô hình) khác. Nhưng một chuẩn chung cho ESG làm gia tăng sự chú đến các yếu tố ESG quá mức cần thiết - khi các nhà đầu tư quan tâm đến ESG, các giám đốc cũng vậy - vì họ được đánh giá cao bởi việc theo đuổi các yếu tố này - và hy sinh việc xây dựng các tài sản vô hình khác - những thứ cũng thực sự tạo ra giá trị dài hạn.
Sự tập trung chú ý vào báo cáo các chỉ số ESG không chỉ khiến các công ty chuyển từ việc thực sự tạo ra giá trị sang báo cáo về giá trị, mà với hàng trăm chỉ số ESG công ty có thể báo cáo - nó còn làm giảm tính minh bạch đối với các nhà đầu tư và các bên liên quan vì họ sẽ không biết phải nhìn vào đâu.
(Còn nữa)
Xem thêm về Giả thuyết Thị trường Hiệu quả - Efficient Market.
Các tài liệu khác được trích trong bài:
Edmans, A. (2023). The end of ESG. Financial Management, 52, 3– 17. https://doi.org/10.1111/fima.12413
Edmans, A. (2011). Does the stock market fully value intangibles? employee satisfaction and equity prices. Journal of Financial Economics, 101(3), 621–640. https://doi.org/10.1016/j.jfineco.2011.03.021
Prague Finance Institute. (2021, November 29). Aswath Damodaran: "ESG is the most oversold and overhyped concept in the history of business.". YouTube. Retrieved March 13, 2023, from
Businesses Therapy. (2023, February 12). Warren Buffett & Charlie Munger: "ESG investing is a waste of time and money". YouTube. Retrieved March 14, 2023, from
WolvesAndFinance. (2022, August 28). The problem with ESG. YouTube. Retrieved March 14, 2023, from